Nếu làm tốt, mục tiêu hoàn toàn khả thi
– Trước hết, nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10, xin chúc mừng ông cùng đội ngũ doanh nhân Việt Nam! Thưa ông, Nghị quyết số 41-NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành có ý nghĩa như thế nào với khối doanh nhân tư nhân?
– Nghị quyết 41-NQ/TW được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây là sự kiện rất quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc không chỉ riêng đối với đội ngũ doanh nhân mà còn thổi bùng lên niềm phấn chấn, khí thế mới trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn dân tộc.
Nghị quyết một mặt tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân nước nhà, mặt khác đề ra những chủ trương, định hướng đúng đắn cho việc hoàn thiện, xây dựng cơ chế chính sách nhằm phát huy vai trò của doanh nhân; đồng thời soi rọi hướng đi cho sự phát triển của đội ngũ doanh nhân và khu vực kinh tế tư nhân trong tình hình mới với những thuận lợi, thời cơ mới và cả những khó khăn, thách thức khó lường đan xen lẫn nhau.
Có thể nói, Nghị quyết này như một cơ duyên khi ban hành đúng dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đội ngũ doanh nhân đón nhận cơ duyên này với một niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sẵn sàng tận dụng cơ duyên này cho cuộc cất cánh bay lên.
– Nghị quyết xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là “phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới… Ông nghĩ sao về mục tiêu này?
– Có thể khẳng định, mục tiêu này thể hiện quyết tâm rất lớn của của cả hệ thống chính trị cùng với sự phân tích khoa học, thấu đáo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tham mưu, các chuyên gia kinh tế.
Việt Nam có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực doanh nghiệp đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới.
Trên nền tảng này, nếu triển khai tốt 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra trong Nghị quyết số 41-NQ/TW thì mục tiêu trên sẽ thành hiện thực!
Khẩn trương có khung pháp lý cho hình thái kinh tế mới
– Nghị quyết số 41-NQ/TW yêu cầu “có chính sách đột phá” để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt. Theo ông, “chính sách đột phá” ở đây là gì?
– Chúng ta cần có đột phá trong tháo gỡ thể chế, cơ chế chính sách liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, trách nhiệm, tự chủ của doanh nghiệp; tạo không gian phát triển, không gian đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần khẩn trương ban hành pháp luật, chính sách liên quan tới những hình thái kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… tạo khung khổ pháp lý cho hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp.
– Nghị quyết cũng đề ra giải pháp phát huy vai trò của các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Vậy Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam sẽ làm gì để phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của mình?
– Đây là nhóm nhiệm vụ rất quan trọng và thiết thực, định hướng cho Hội xác định rõ hơn vị trí, vai trò cũng như phương hướng hoạt động của mình thời gian tới.
Trải qua gần 2 kỳ đại hội, Hội đã xây dựng được triết lý, tầm nhìn, sứ mệnh và hoạt động ngày càng phát triển. Trong mọi hoạt động của mình, Hội luôn kiên trì phương châm: Thiết thực, Hiệu quả, Đổi mới sáng tạo để đồng hành, hòa chung nhịp đập với doanh nhân, doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi hiệu quả phương châm này để phát huy tốt hơn vai trò của mình, để Hội luôn là ngôi nhà chung của cộng đồng doanh nhân tư nhân Việt Nam.
Cụ thể, Hội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ; chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, tăng cường phối hợp công tác hiệu quả với các cơ quan liên quan để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên; đại diện quyền lợi cho các hội viên của mình trong các quan hệ trong nước và quốc tế…
– Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông muốn gửi gắm điều gì tới các doanh nhân?
– Nghị quyết mới của Bộ Chính trị mở đường cho cơ hội phát triển mới mang tính thời đại; Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành đã, đang và sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách cho sự phát triển. Còn lại là sự nỗ lực vươn lên của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Muốn phát triển lớn mạnh, đội ngũ doanh nhân cần phát huy hơn nữa tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc; quyết tâm cao độ và khát vọng cháy bỏng vươn ra thương trường quốc tế vì một đất nước Việt Nam độc lập, phát triển phồn vinh, cường thịnh.
Cùng với việc tăng cường gắn bó, liên kết, tạo nên các chuỗi cung ứng có giá trị trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, doanh nhân cũng cần phải trang bị những hiểu biết kỹ càng về hội nhập và thị trường quốc tế, nâng cao năng lực cập nhật và nắm bắt kiến thức mới, đặc biệt là những kiến thức liên quan đến kinh tế số cũng như các loại hình, mô hình kinh tế, các công nghệ đột phá của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
– Xin cảm ơn ông!