Tiền rẻ sụt giảm
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, có tới 23/28 ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong năm qua. Đáng chú ý, ngay cả những ngân hàng lớn, vốn dẫn đầu cuộc đua hút vốn rẻ cũng đã có phần “hụt hơi”.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) thành công soán ngôi quán quân CASA của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Trong đó, tại Techcombank, tiền gửi không kỳ hạn đã liên tục suy giảm kể từ quý II/2022, dẫn đến mức giảm mạnh nhất trong hệ thống, từ tỷ lệ CASA kỷ lục 50,5% hồi cuối năm 2021 xuống còn 37% vào cuối năm 2022. Còn tại MB, dù tỷ lệ này cũng suy giảm nhưng biên độ hẹp hơn, từ mức 44,6% hồi cuối năm 2021 xuống 37,6% vào cuối năm 2022.
Theo lý giải của Techcombank, số dư CASA sụt mạnh do khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu và tăng mở tài khoản tiết kiệm trong bối cảnh môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản, trái phiếu. Dù vậy, để đảm bảo nguồn vốn, ngân hàng này đã có nhiều kế hoạch hành động nhằm gia tăng số dư tiền gửi có kỳ hạn và ghi nhận kết quả khả quan với mức tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong quý IV/2022, số dư tiền gửi có kỳ hạn đã tăng 32,3% so với quý trước đó.
Trong cuộc đua hút vốn rẻ, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) năm 2022 từng có thời điểm gây ấn tượng khi lọt vào top đầu các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống, thậm chí còn vượt Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Thế nhưng tính chung cả năm, CASA của MSB đã tụt xuống, từ mức 35,7% của cuối năm 2021 còn 31,2%, đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng. Trong khi đó, “anh cả” Vietcombank chỉ giảm từ 35,1% xuống mức 33,1%. Phong độ ổn định này được cho là nhờ chính sách miễn phí của Vietcombank cho toàn bộ dịch vụ trên ngân hàng số VCB Digibank ngay từ đầu năm 2022.
Nhiều ngân hàng cũng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt mạnh trong năm qua như: Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank), giảm mạnh từ 15,5% xuống 4%, thấp nhất trong các ngân hàng; Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), giảm từ 11,9% xuống 4,1%; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), giảm từ 23,3% xuống 18%…
Dù vậy, vẫn còn một số ngân hàng đi ngược dòng, ghi nhận tỷ lệ CASA tăng lên so với năm 2021 như: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), tăng nhẹ 0,1% lên thành 20%; Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) tăng 2,5% lên 17,9%; Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) tăng 3,9% lên thành 7,3%…
Theo Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, mặt bằng lãi suất huy động có kỳ hạn liên tục tăng cao, nhất là trong quý cuối năm 2022, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền số… lại kém hấp dẫn, tiếp diễn xu hướng đi xuống trong khoảng thời gian dài. Đây là nguyên nhân khiến dòng tiền tìm về kênh tiết kiệm dài hạn để hưởng lãi suất cao. Lượng tiền gửi không kỳ hạn vì thế sụt giảm mạnh, nguồn vốn đầu vào cũng trở nên “đắt đỏ” hơn.
Chờ tín hiệu phục hồi
Cải thiện tỷ lệ CASA, kiểm soát chi phí vốn, tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh đang đặt ra bài toán lớn với các ngân hàng, nhất là trong bối cảnh lãi suất được dự báo vẫn sẽ neo ở mức cao trong nửa đầu năm 2023.
Bởi khi lãi suất cao, người dân thay vì để tiền nhàn rỗi trong tài khoản thì sẽ chuyển vào gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Còn với doanh nghiệp, lãi suất cao sẽ khiến họ khó tiếp cận dòng vốn ngân hàng, từ đó dẫn đến việc phải rút nguồn tiền sẵn có về hoạt động.
Theo dự báo của các chuyên gia Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất điều hành trong năm 2023 có thể sẽ không tăng thêm, mặt bằng lãi suất sau khi đạt đỉnh trong nửa đầu 2023 sẽ đi ngang và dần hạ nhiệt vào nửa cuối năm.
Cùng quan điểm, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng, lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn vẫn ở mức cao và điều kiện thanh khoản hạn hẹp sẽ khiến tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn vẫn ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023. Dù vậy, Yuanta kỳ vọng tỷ lệ CASA sẽ được cải thiện hơn khi lãi suất huy động dần hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay.
Trong khi đó, đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI lại khá lạc quan. Dựa theo các phân tích dữ liệu, SSI dự báo tỷ lệ CASA bị ảnh hưởng chỉ là trong ngắn hạn và sẽ sớm hồi phục trong thời gian tới.
Hơn nữa, Yuanta nhận định giữa bối cảnh lãi suất tăng, các ngân hàng có lợi thế tỷ lệ CASA cao như MB, Techcombank hay Vietcombank… sẽ ít chịu tác động tiêu cực lên biên lãi ròng hơn so với các ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp.
Trước những dự báo như trên, có thể khẳng định việc cải thiện tỷ lệ CASA tại các ngân hàng dù khó nhưng không phải là không thể.