Cụ thể, theo thông tin công bố, ông Thuận đăng ký bán 50.000 cp GMD theo phương thức khớp lệnh, thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ 21/11 đến 20/12 nhằm cân đối nhu cầu tài chính cá nhân. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu ông Thuận nắm giữ sẽ giảm từ 199.214 cp xuống 149.214 cp.
Thị giá cổ phiếu GMD trên sàn kết phiên ngày 17/11 đạt 42.100 đồng/cp, nhích nhẹ 0,6% so với phiên liền trước nhưng vẫn đang lùi xa so với vùng đỉnh 58.000 – 59.000 đồng/cp hồi tháng 6 năm nay. Tạm tính theo mức giá kết phiên 17/11, ước tính ông Thuận thu về hơn 2,1 tỷ đồng từ giao dịch này.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, GMD ghi nhận kết quả tăng trưởng khả quan với doanh thu thuần đạt gần 992 tỷ đồng, tăng 36% và lợi nhuận sau thuế đạt 287 tỷ đồng, tăng gần 77% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần đạt gần 2.850 tỷ đồng, tăng 31%, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.056 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 942 tỷ đồng, tăng gần 84%. Biên lợi nhuận ròng cải thiện tích cực nhờ tỷ lệ chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm và ghi nhận lãi tăng mạnh từ các doanh nghiệp liên doanh liên kết.
GMD đặt chỉ tiêu doanh thu cho năm nay là 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 1.000 tỷ đồng. Đến nay, công ty đã đạt 75% doanh thu kế hoạch và 106% lợi nhuận trước thuế.
Trong báo cáo triển vọng doanh nghiệp mới nhất ngày 8/11, CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định so với mức tăng trưởng chậm của toàn ngành, hoạt động khai thác cảng của GMD vẫn duy trì kết quả tăng trưởng ấn tượng với sản lượng hàng container thông qua so với cùng kỳ.
Trong đó, VCBS chỉ ra những động lực chính thúc đẩy gia tăng hiệu quả kinh doanh của GMD bao gồm:
Thứ nhất, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhờ đóng góp của cảng Gemalink. Giai đoạn 1 của cảng Gemalink đã được khai thác chính thức vào tháng 6/2021, cảng Gemalink đã bắt đầu ghi nhận lãi kể từ quý IV/2021, giúp cải thiện biên lợi nhuận của toàn Công ty.
Thứ hai, động lực tăng trưởng trong trung hạn đến từ giai đoạn 2 cảng Nam Đình Vũ. Giai đoạn 2 của cảng Nam Đình Vũ đang được gấp rút triển khai, dự kiến đưa vào khai thác trong quý I/2023. Với công suất thiết kế 500.000 TEU/ năm, dự án kỳ vọng mang đến dư địa tăng trưởng cho nhóm cảng của công ty tại Hải Phòng trong ít nhất 2-3 năm tới.
Như vậy, VCBS đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của GMD trong trung và dài hạn nhờ cảng Gemalink và cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những căng thẳng địa chính trị leo thang và tình trạng suy thoái toàn cầu có thể gây sức ép đến tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp cảng biển nói chung và GMD nói riêng trong giai đoạn cuối năm 2022 và kéo dài đến năm 2023.
Dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công mẹ năm 2023 đạt lần lượt hơn 3.990 tỷ đồng, tăng 4% yoy (tăng trưởng qua từng năm) và hơn 1.172 tỷ đồng, tăng 11% yoy.
Từ những dự báo trên VCBS đưa ra khuyến nghị trung lập cổ phiếu GMD với mức định giá hợp lý là 50.446 đồng/cp.