Là một họa sỹ nổi danh quốc tế với số lượng tác phẩm đồ sộ (lên tới gần 2000 tác phẩm), hơn 100 triển lãm cá nhân trong và ngoài nước, xuyên suốt hành trình hơn 50 năm làm nghệ thuật của mình, Văn Dương Thành là một cái tên được bảo chứng ở các triển lãm mỹ thuật cần sự kết nối, giao lưu giữa các doanh nghiệp, doanh nhân, chính khách trong nước và quốc tế.
Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, cùng với năng khiếu thiên phú và sự may mắn khi được làm học trò của danh họa Việt Nam Bùi Xuân Phái, với tố chất con nhà nòi, lại thêm sự bền bỉ rèn luyện cùng với sự chỉ dẫn của những bậc thầy hội họa Việt Nam, nữ họa sỹ Văn Dương Thành đã ghi được dấu ấn của mình ở lĩnh vực hội họa từ khi còn rất trẻ. Sau này, chị du học và định cư tại Thụy Điển, giảng dạy bộ môn sơn mài Đông Dương tại đây và cũng nhanh chóng tạo dựng được tên tuổi với tư cách là một họa sỹ có trường phái mỹ thuật Á Đông đậm nét.
Sự lao động miệt mài có lẽ là điều ghi nhận của Văn Dương Thành trong lòng những người yêu hội họa. Không chỉ sáng tác liên tục với cường độ làm việc cao và khả năng sáng tạo không giới hạn, nữ họa sỹ còn được mệnh danh là “sứ giả văn hóa Việt Nam”, là một trong những nghệ sỹ hiếm hoi được lãnh đạo cấp cao tin tưởng, đặt trọng trách tạo ra những tác phẩm như tranh, khăn lụa,… để dành tặng cho chính khách quốc tế vào những dịp ngoại giao quan trọng.
Chia sẻ về lý do nữ họa sỹ được các cấp lãnh đạo dành trọn tin tưởng để giao trọng trách, “nàng thơ trong tranh” của Bùi Xuân Phái cho biết: “Mỗi người nghệ sĩ Việt đều được sinh ra và lớn lên bởi bầu sữa mẹ và những câu dân ca, ca dao, của cảnh vật, thiên nhiên Việt Nam. Cùng với những trải nghiệm từ khi còn nhỏ đến lớn với các vùng miền, quốc gia khác nhau giúp tôi có nhiều chất liệu thuần Việt, tôi mang những giá trị bản sắc Việt Nam ra thế giới và được người yêu tranh đón nhận. Chính vì những tác phẩm mang được bản sắc của Việt Nam và với lối vẽ trừu tượng đặc trưng của mình, tôi được các lãnh đạo ưu ái và tin tưởng và giao nhiệm vụ nhiều năm nay”.
Không chỉ là “sứ giả văn hóa Việt Nam”, họa sỹ Văn Dương Thành còn là một cầu nối rất quan trọng trong việc tổ chức các triển lãm cá nhân và kết nối các doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua triển lãm tranh của mình. Tài năng, danh tiếng và khả năng giao tiếp cùng vốn ngoại ngữ lưu loát, nữ họa sỹ là “bảo chứng” cho rất nhiều các sự kiện lớn của các doanh nghiệp mỗi khi chị tổ chức triển lãm.
Không chỉ đơn thuần là một họa sỹ, Văn Dương Thành còn là một doanh nhân rất thành công trên thương trường hội họa. Để chia sẻ về ngành nghề rất đặc thù này, nữ họa sỹ cho biết: “Thương trường của hội họa rất đặc thù. Nếu không có các yếu tố bền vững lâu dài và uy tín thì sẽ không trụ được trong nghề này. Hội họa từ vài trăm năm trước đã trở thành một sản phẩm trí tuệ, nghệ thuật có giá trị lớn trên thương trường.
Hiện nay, nghề môi giới đầu tư tranh ở nước ta chưa phát triển nhiều nhưng cũng đã có rất nhiều nhà sưu tập trẻ, nhà đầu tư ra nước ngoài dự đấu giá và đưa về nước những bức tranh của họa sĩ Đông Dương với giá tiền hàng triệu đô. Thông qua các phiên giao dịch tác phẩm hội hoạ, ta có thể thấy đó là một kênh đầu tư tài chính hiệu quả.
Vì không có người đại diện nên tôi thường gặp gỡ trực tiếp với người thưởng lãm. Tôi áp dụng nguyên tắc riêng mình là 3 không, 1 có: Không áp đặt, không giới thiệu suy nghĩ của mình cho người thưởng thức, không mời mua tranh và luôn bảo hành tranh của mình với nhà sưu tập.
Rất nhiều họa sỹ là doanh nhân thành đạt trong việc bán các tác phẩm của mình. Họ có những nguyên tắc thương trường rất đẹp. Ví dụ khi khách đặt chân dung, khi khách không hài lòng thì không phải nhận và thanh toán, vì thế khách đặt chân dung rất muốn làm việc với những người chuyên nghiệp như thế”.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), họa sỹ Văn Dương Thành chia sẻ: “Về cá nhân, ngoài những tác phẩm tôi vẽ về quê hương, danh nhân, thiên nhiên, thì tôi cũng vẽ khá nhiều chân dung về các nữ doanh nhân thành đạt. Bên cạnh đó, tôi vẫn làm việc với nhiều nữ doanh nhân nổi tiếng và cùng kết hợp với doanh nghiệp của họ ở những sự kiện triển lãm tranh nghê thuật hay các chương trình từ thiện. Tôi thấy nữ doanh nhân Việt Nam rất có tính quốc tế, đồng thời biết cách giữ gìn hình ảnh của mình với các bạn bè năm châu.
Tôi nhận thấy không có sự khác biệt nhiều giữa các nữ doanh nhân quốc tế hay Việt Nam, bởi họ đều là những người phụ nữ bản lĩnh, thông minh, có tầm nhìn, nhạy bén với thị trường, tế nhị, khéo léo trong việc xử lý nhiều tình huống trong kinh doanh.
Không những thế, họ còn cống hiến hết mình cho sự nghiệp và dốc tâm sức cho các hoạt động thiện nguyện”.