Năm 2022 đã khép lại với những thành tựu đạt được ấn tượng của nền kinh tế, thể hiện qua con số tăng trưởng GDP đạt 8,02% trong bối cảnh cả nước chuyển hướng sang phòng chống dịch linh hoạt kết hợp với các yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lời, từ tiêu thụ, xuất khẩu cho đến giải ngân đầu tư.
Các chuyên gia nhận định công cuộc phục hồi kinh tế – xã hội của Việt Nam sau khủng hoảng của đại dịch Covid-19 đã có những bước tiến nhanh và mạnh mẽ, cho thấy rõ những nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành và đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, trước những bối cảnh khó lường của thế giới cũng như các xu hướng chuyển dịch mới hiện hữu và tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức đối với nền kinh tế và phát sinh các vùng nhiễu động gây khó khăn kéo dài cho hoạt động của doanh nghiệp. Đó là những vấn đề được bàn thảo sôi nổi tại Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023 diễn ra ngày 11/1.
TS. Nguyễn Minh Cường: “Cơn gió ngược” đồng hành cùng “cơn gió xuôi” trong nền kinh tế năm 2023
Cụ thể, theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam, trong 2022, các nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đã chuyển đổi sang các biện pháp phòng chống dịch linh hoạt, do đó đã tạo ra động lực cho sự phục hồi kinh tế. Điều này đã dẫn đến sự phục hồi rất nhanh về nhu cầu tiêu dùng, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời, lạm phát trong khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, đã được kiểm soát tốt hơn do đứt gãy chuỗi cung ứng không mạnh như các khu vực khác trên thế giới. Theo ADB, lạm phát trên toàn cầu đã đạt đến đỉnh và có xu hướng sẽ đi xuống trong năm 2023, dù rủi ro lạm phát vẫn còn.
Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới siết chặt lại, phần lớn các đồng tiền trong khu vực có xu hướng mất giá so với đồng USD, trung bình mất giá là 10%, trong đó có đồng VND. Trong năm 2021, các ngân hàng Trung ương trong châu Á đã tăng lãi suất 23 lần, với mức độ tăng trung bình là khoảng 30 điểm cơ bản. Nhưng đến năm 2022, các ngân hàng Trung ương trong châu Á đã tăng lãi suất khoảng 68 lần, với mức tăng trung bình là khoảng 63 điểm cơ bản.
Về triển vọng năm 2023, ông Cường cho rằng kinh tế khu vực châu Á vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng khá ổn định và khả quan, đặc biệt khu vực ASEAN.
Riêng với Việt Nam, những “cơn gió ngược” – thách thức sẽ tiếp tục xuất hiện trong năm 2023, nhưng đồng thời nhiều “cơn gió xuôi” – cơ hội cũng sẽ xuất hiện. Một trong đó là sự mở cửa của Trung Quốc.
TS. Cấn Văn Lực: Doanh nghiệp bước vào năm 2023 nhiều thách thức
Còn theo TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, bước vào năm 2023, kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức tồn tại từ năm 2022 liên quan đến “4 tăng và 2 giảm”.
Cụ thể, 4 tăng là bất định tăng (chiến tranh, dịch bệnh…); lạm phát và lãi suất tăng và còn ở mức cao; rủi ro tài chính tăng (lãi suất tăng, tỷ giá tăng, rủi ro nợ tăng..); rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực tăng, an ninh chuỗi cung ứng tăng.
2 giảm là lợi nhuận biên của doanh nghiệp giảm; đà phục hồi kinh tế giảm (tăng 3% năm 2022) và suy thoái nhẹ, cục bộ năm 2023.
Năm 2023, kinh tế thế giới cũng sẽ chịu tác động từ xu hướng dịch chuyển nhanh của kinh tế số, tài chính xanh, chuyển đổi năng lượng, bất động sản xanh…
Ông Lực cho rằng, nhìn lại năm 2022, kinh tế Việt Nam thuộc top tăng trưởng mạnh của khu vực và thế giới; lượng kiều hối cũng nhiều nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.
“Lý do cho tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam 2022 là sự mở cửa trở lại khá sớm, các động lực tăng trưởng phục hồi khá đồng đều so với nền thấp của năm trước. Tuy nhiên, các động lực tăng trưởng này có được duy trì trong năm 2023 hay không là câu hỏi cần phải trả lời”, ông Lực cho biết.
Đánh giá về thời cơ cho kinh tế Việt Nam năm 2023, theo ông Lực, bước vào năm 2023, Trung Quốc mở cửa trở lại; GDP toàn cầu dự báo tăng thêm 1 điểm %. Cùng đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội 2022 – 2023 và giải ngân đầu tư công dự kiến được đẩy nhanh hơn.
Cùng với đó là các động lực từ nền tảng vĩ mô và kinh nghiệm phòng chống dịch, quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên; rủi ro tài khóa ở mức trung bình tạo dư địa cho năm 2023. Lạm phát tăng nhưng cơ bản được kiểm soát, áp lực tăng lãi suất, áp lực tỷ giá và rủi ro nợ đang giảm dần. Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh.
Năm 2023, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế (sửa đổi Luật Đất đai, Luật nhà ở, luật liên quan đến kinh doanh bất động sản, tài chính tín dụng tại Việt Nam sẽ được thúc đẩy. Kinh tế internet tăng khá nhanh sẽ tạo đà cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, trong năm 2023, kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động từ rủi ro của nền kinh tế thế giới và khu vực.
Đó là 3 cú sốc/rủi ro chính tác động đến các nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam, mà TS. Cấn Văn Lực chỉ ra bao gồm: Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại làm giảm tổng cầu, khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 1 điểm % năm 2023; Giảm tổng cầu khiến tăng trưởng tại Mỹ và châu Âu giảm 2 điểm %; Điều kiện thị trường tài chính khó khăn hơn khiến rủi ro và lợi suất tăng..
Tại Việt Nam, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đang có xu hướng giảm đà tăng trưởng. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh, lạm phát (CPI) còn gia tăng, giải ngân đầu tư công vẫn là thách thức (mới chỉ đạt 85% kế hoạch năm), thanh khoản thị trường ngân hàng còn eo hẹp. Có thể nói, doanh nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn khi bước vào năm 2023.
Để kiên định giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tối ưu hóa nguồn lực, các bộ ngành từ trung ương tới địa phương cũng như các lĩnh vực của nền kinh tế cần nâng cao tính độc lập, tự chủ, tự cường và năng lực chống chịu của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Đối với doanh nghiệp, ông Lực khuyến nghị: “Doanh nghiệp cần cơ cấu lại, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá…; chủ động tìm hiểu, tiếp cận Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội, nhất là các gói hỗ trợ tài khóa; chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chung cư cũ, đầu tư công… Đồng thời, có phương án cụ thể, khả thi đối với trái phiếu doanh nghiệp phải đáo hạn 2023-2024; đa dạng hóa nguồn vốn qua tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, phát hành các loại giấy chứng từ có giá trí như chứng chỉ quỹ, cổ phiếu (REIT)”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý, tài chính; tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và đón đầu xu hướng này với tâm thế “vững tâm vượt khó, tạo nền tảng tương lai”.