Xây dựng thương hiệu thời trang CHATS by C.DAM từ năm 2014, nhưng 4 năm trở lại đây Cường Đàm mới thực sự tỏa sáng trong giới thời trang Việt. Trước khi đến với thời trang, nhà sáng lập của 2 thương hiệu CHATS by C.DAM và C.Dam từng bén duyên với lĩnh vực kiến trúc cùng những giải thưởng danh giá.
Kể về hành trình theo đuổi đam mê thời trang, Cường Đàm tự ví mình như hình ảnh của cây măng: “Trước khi phát triển với tốc độ điên cuồng để trở thành tre, cây măng đã mất đến nhiều năm cắm rễ sâu vào lòng đất, hấp thụ nguồn dinh dưỡng dồi dào và chuẩn bị cho sự sinh trưởng mạnh mẽ sau này.”
Trước khi đến với thời trang, Cường Đàm là kiến trúc sư. Lý do cho quyết định rẽ hướng đầy bất ngờ này là gì?
Tôi nghĩ trong cuộc sống, mọi thứ đến với mình đều là cơ duyên. Sau 5 năm gắn bó với kiến trúc, tôi mải miết kiếm tìm và vẫn chưa tìm được môi trường khiến bản thân cảm thấy thích thú. Lúc đó, một người bạn gợi ý tôi làm thời trang. Sau khi thử nghiệm rồi dấn thân vào lĩnh vực này, tôi nhận ra đây mới chính là những gì mình thực sự phù hợp.
Thực tế, tình yêu với thời trang đã được nuôi dưỡng trong tôi từ những ngày còn bé. Tôi thích vẽ váy áo và thể hiện sự sáng tạo với chúng qua giấy bút từ lúc 4, 5 tuổi. Lớn hơn một chút, tôi lại yêu thích việc làm đẹp cho những người thân yêu, đặc biệt là mẹ và tới tận bây giờ vẫn như vậy.
Từ một lời gợi ý của bạn, anh đã bắt đầu với CHATS như thế nào?
Khoảng thời gian mới vào nghề, mọi thứ với tôi còn rất mới mẻ, gần như bắt đầu từ con số 0. Ban đầu, tôi tự mình đi mua vải, sau đó tìm thợ may để làm một vài kiểu mà mình thích.
Với số vốn 10 – 20 triệu đồng, tôi thuê một cửa hàng nhỏ ở trong ngõ. Những bộ đồ tôi làm khá đơn giản và mộc mạc, tư duy thời trang trong đấy cũng không có nhiều. Đó chỉ là vài chiếc áo croptop, chân váy ôm… được thực hiện dựa trên bản năng. 1-2 năm đầu, tôi không bán được mấy nhưng vì sử dụng số vốn rất ít nên điều đó với tôi cũng không quá nặng nề. Sau này, khi chuyển CHATS ra phố lớn thì tôi mới gặp nhiều khó khăn hơn.
Việc kinh doanh không mấy thuận lợi, vì sao anh chuyển ra phố lớn?
Lúc đó, tôi nghĩ rằng vì mình ở trong ngõ nên không bán được, vậy nên tôi quyết định chi 100 triệu để đưa CHATS ra ngoài phố. Do không có nhiều vốn nên các khâu như cắt mẫu, may mẫu, may sản xuất, chụp hình… tôi đều thuê bên ngoài làm, còn bản thân thì tự thiết kế, làm marketing và có 2-3 bạn sale phụ bán hàng.
Để bắt đầu việc gì đó thì rất cần vốn. Một loại vốn là tiền mặt, trang thiết bị hoặc địa điểm. Loại thứ hai là sự hiểu biết về ngành, về marketing, về cách xây dựng một thương hiệu có nét riêng biệt so với thương hiệu khác. Lúc đó tôi chỉ nghĩ mình thiếu vốn là thiếu tiền thôi, mãi sau này tôi mới hiểu ra là mình thiếu nhiều thứ hơn thế.
Sau khi có hình hài là cửa hàng ở ngoài phố lớn, việc kinh doanh của CHATS như thế nào?
Giai đoạn 2016, việc kinh doanh của CHATS khá thuận lợi và đã bắt đầu có lãi. Nhờ tinh thần trẻ trung mà vẫn giữ được sự nữ tính, các thiết kế của CHATS trở nên nổi bật hơn so với thị trường thời trang công sở tại thời điểm đó.
Thế nhưng, hướng đi đó chỉ mang lại lợi luận trong một thời gian ngắn. Để xây dựng một lộ trình lâu dài cho CHATS, năm 2017 tôi quyết định đi học thêm về thời trang tại Học viện Thiết kế và Thời trang London tại Hà Nội (LCDF). Trong thời gian đó, tôi vừa đi học, vừa điều hành thương hiệu CHATS.
Vì sao anh lựa chọn đi học vào thời điểm đó?
Khi bắt đầu theo học tại LCDF, tôi đã gần 30 tuổi. “Già” rồi mới đi học, phải bắt kịp những người trẻ và thay đổi lối tư duy đã cũ nhưng tôi cảm thấy việc đi học muộn với bản thân mình khá may mắn.
Nếu ngày xưa học để được điểm cao thì đến năm 29 tuổi, tôi không quan trọng điều đó nữa, quan trọng mình học được gì và ứng dụng kiến thức như thế nào. Việc học song song với việc điều hành CHATS giúp ích cho tôi rất nhiều. Tôi hiểu chất liệu cần mua ở đâu hay các xưởng gia công chỗ nào là tốt nhất, lên phom dáng như thế nào để trông sản phẩm cao cấp, đắt tiền hơn. Sau khi học chuyên sâu về thời trang, tôi đã biết cách nâng tầm những thiết kế của mình.
Có phải là một cuộc đánh cược khá lớn không khi anh rất mạnh tay chi cho việc trở về trường lớp để đầu tư bài bản cho thời trang?
Nói thật là lúc đó, việc kinh doanh đang gặp khó khăn, trong tài khoản của tôi chỉ có hơn 200 triệu nhưng tôi vẫn quyết định rút hết để đóng 50% học phí của năm đầu tiên. Khi không còn tiền nữa, tôi cố bán hàng rồi dồn tiền để đi học tiếp.
Trong 2 năm học tại trường, tôi đã bỏ ra 2 tỷ rưỡi bao gồm học phí và các phụ phí phát sinh khi làm đồ án. Nhìn lại hành trình ấy, tôi nghĩ đó là một cuộc chơi, một cuộc đặt cược đúng nghĩa khi chẳng có ai nói hay cam kết với tôi rằng khi học xong sẽ thu hồi được vốn.
Kết quả của sự liều lĩnh ấy có khiến anh hài lòng?
Quả thực khoảng thời gian đó, tôi có hơi liều thật nhưng tôi hiểu “pay more, get more”. Thuyền to thì mới đi ra biển lớn được, còn thuyền nhỏ thì chỉ ở gần bờ thôi. Sự phát triển của CHATS và sự ra đời của C.Dam là minh chứng rõ nhất cho những gì tôi nhận lại được sau sự liều lĩnh của mình.
Trong 3-4 năm đầu, team của tôi chỉ có 3-4 nhân viên. Năm 2020, sau khi tôi kết thúc việc học, con số đó là 5-7 người. Và tính tới thời điểm hiện tại, số lượng nhân viên đã lên đến 67 người, một đội ngũ đông đảo và mạnh mẽ. Mỗi tháng, tôi xoay vòng lương 1 tỷ đồng để trả cho nhân viên. Tôi nghĩ đó chính là câu trả lời, là đáp án cho sự lựa chọn đúng đắn của bản thân trước đó.
Giai đoạn 2020-2022 được xem là thời kỳ bùng nổ của CHATS. So với khoảng thời gian trước đó, sản phẩm của anh giờ đây khác biệt như thế nào?
CHATS hiện nay đã có sự bứt phá cả về phân khúc thời trang và tính sáng tạo trong thiết kế. Tập khách hàng chúng tôi hướng đến là những người phụ nữ đương đại với vẻ đẹp tri thức, mang trong mình sự mạnh mẽ, độc lập, sống hết mình và khát khao thử sức với những điều mới. Không chỉ giúp nhóm khách hàng này tự tin thể hiện bản thân, CHATS còn giúp họ khác trở thành hình mẫu người phụ nữ mà họ mong muốn.
Sự thay đổi tiếp theo là tính sáng tạo. Khi quan niệm về cái đẹp của tôi được nâng tầm thì tính sáng tạo cũng sẽ cao hơn so với trước đây. Sản phẩm của CHATS gắn với vẻ đẹp thời trang đương đại với sự biến chuyển về phom dáng cùng những chi tiết sáng tạo được nghiên cứu tỉ mỉ. Những thiết kế sang hơn, tinh tế hơn hướng tới vẻ đẹp hoàn thiện nội tâm lẫn diện mạo chứ không đơn thuần nằm trong 2 từ “vừa mắt”.
Đâu là yếu tố mang tính bước ngoặt, giúp CHATS tạo nên bước nhảy vọt như thế?
Tôi nghĩ có 2 yếu tố chính giúp CHATS bùng nổ như vậy. Một là bản thân tôi và đội ngũ đã mạnh hơn trước, tôi có Co-CEO và những bạn trong team cùng đồng hành. Hai là CHATS nắm bắt được thời cơ tốt để chuyển mình sang một nhóm khách hàng mới. Năm 2020, dịch bệnh đem đến nhiều khó khăn nhưng lại là lúc tôi tìm thấy một cơ hội để có thể lội ngược dòng khi nhóm khách hàng ở phân khúc cao có nhiều thời gian cho việc mua sắm online.
Các sản phẩm của CHATS có giá khá cao, giá khởi điểm là 2-3 triệu/váy, thậm chí có chiếc lên đến 1.000 USD. Điều gì khiến anh tự tin khách hàng sẽ lựa chọn sản phẩm của mình khi mà trên thị trường có rất nhiều thương hiệu Việt và quốc tế với cùng mức giá?
Với tôi, điều quan trọng nhất là hiểu khách hàng của mình. Hiểu được khách hàng đang cần gì và thỏa mãn nhu cầu của họ là mình đã thắng được 50% rồi. Trong bất cứ ngành nghề nào, sản phẩm tốt vẫn là điều quan trọng hàng đầu. Ở CHATS, không chỉ đưa ra một sản phẩm phù hợp hay “tôn dáng” cho khách hàng, tôi tạo ra tính cách, xây dựng hình tượng người phụ nữ mà khách hàng muốn trở thành và thổi phần “hồn” vào giao diện đấy.
CHATS còn cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng vô cùng chu đáo và tận tâm. Ngoài việc giúp chỉnh sửa những sản phẩm có sẵn để tạo ra những sản phẩm của riêng cá nhân, đội ngũ nhân viên luôn tư vấn nhiệt tình, giao hàng nhanh và không bao giờ để khách phải than phiền bất cứ điều gì.
Khách hàng sẽ cảm thấy không cần phải ra quốc tế mới có thể tìm thấy những sản phẩm tốt, bởi ngay tại Việt Nam cũng có một thương hiệu với chất lượng và dịch vụ xứng tầm.
Ở CHATS, đơn mua online 40 triệu đồng là bình thường. Khách không thử đồ, chưa mua bao giờ nhưng họ có niềm tin ở thương hiệu vì sản phẩm và dịch vụ tốt nên họ sẵn sàng chi.
Suốt 4 năm nay, CHATS cũng không có chương trình giảm giá. Khách hàng mua đồ vì họ cần nó chứ không phải vì đang rẻ. Tôi muốn khách hàng nên nhìn nhận về đúng giá trị thật của sản phẩm. Đó cũng là giá trị mà tôi hướng đến.
Trong hành trình gần 10 năm làm thời trang, sự đổi thay của CHATS khá rõ nét, còn bản thân Cường Đàm thì sao?
Sau một chặng đường dài, tôi cảm nhận rõ hơn sự mạnh mẽ lớn lên trong con người mình. Cường Đàm của 4 năm trước để tóc hơi dài, uốn xoăn, mặc áo sơ mi trắng, ngượng ngùng và nhút nhát. Cường Đàm của hiện tại có vẻ ngoài cá tính hơn.
Không chỉ riêng phần nhìn, nội lực trong tôi cũng khác ngày xưa rất nhiều. Ngày trước, tôi nói lắp rất nhiều, điều đó khiến tôi tự ti và tự thu mình lại. Nhưng theo thời gian, tôi lắng nghe bản thân nhiều hơn, công việc cũng khiến tôi phải gặp gỡ, giao tiếp nhiều hơn nên tôi dần vượt qua nỗi sợ và làm thân với những điểm yếu của mình.
Tôi nhận ra rằng khi bản thân chiến thắng chính mình trong một điều nhỏ thì tôi có thể chiến thắng ở những điều to lớn hơn. Đấy là những điều mà nhiều năm về trước, tôi có mơ cũng không nghĩ là mình có thể làm được.
Cũng gần đến 10 năm thành lập CHATS by CDAM, anh có dự định kỷ niệm bằng một dự án bất ngờ nào dành cho giới mộ điệu không?
Sau “Inflowing”, tôi muốn tiếp tục làm show diễn thứ hai. Lần này, tôi lại đặt mình vào một bài toán mới, không chỉ dừng lại ở những món đồ để diễn nữa, mà tính thực tế ở trên sàn diễn sẽ nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng làm đồ diễn khó, nhưng làm đồ diễn để bán được thì còn khó hơn.
Bên cạnh đó, tôi còn có kế hoạch ra mắt sách. Tự truyện là một phần thôi, điều tôi muốn nhất là có thể truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Đây cũng là một thử thách mới của bản thân tôi.
Đó là kế hoạch trong năm 2023. Còn giấc mơ lớn hơn của anh trong tương lai thì sao?
Tôi có một giấc mơ lớn và xa hơn nữa, có khi phải mất nhiều năm để có thể thực hiện. Thị trường thời trang Việt Nam có rất nhiều “designer brand”, thế nhưng để có một nhà mốt (fashion house) – những người tạo nên xu hướng thời trang trên quốc tế thì còn là điều khá xa vời. Tôi đang cố gắng phát triển bản thân và đội ngũ của mình, để có thể cùng nhau hiện thực hoá tầm nhìn này.
Dẫn đầu một xu hướng, nghe có vẻ là điều viển vông nhưng tôi nghĩ bản thân cứ làm việc trọn vẹn mỗi ngày thì rồi nó cũng sẽ đến thôi.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/24-tuoi-khoi-nghiep-voi-20-trieu-gan-30-tuoi-dau-tu-2-5-ty-di-hoc-thoi-trang-founder-cua-chats-by-c-dam-thuyen-to-moi-ra-duoc-bien-lon-15771.html