Ý nghĩa tên dây đeo Jubilee của Rolex
Mỗi dòng đồng hồ của Rolex đều có tên gọi riêng, chẳng hạn Datejust, Submariner hay Daytona… và 5 loại dây đeo tay của thương hiệu cũng vậy. Thậm chí, dây đeo có ngôn ngữ thiết kế, lịch sử và chiến dịch tiếp thị riêng biệt.
Theo đánh giá của Jonathan’s Fine Jewelers, Oyster là mẫu dây đeo phổ biến nhất vì loại dây này bền và đơn giản. Nhưng xét về độ trang nhã, dây Jubilee lại chiếm ưu thế hơn. Mẫu dây đeo này đặc trưng bởi vẻ ngoài có 5 hàng mắt xích, 3 hàng ở giữa được đánh bóng vàng và có kích thước nhỏ hơn 2 mắt xích ở bên ngoài.
Thực tế, các mắt xích nhỏ của Jubilee giúp dây có độ cong chính xác hơn với cổ tay. Số lượng mắt xích tăng lên đồng nghĩa với việc Jubilee bắt sáng đẹp và tốt hơn, khiến món phụ kiện mặt số này giống trang sức hơn.
Trong tiếng Anh, “Jubilee” có nghĩa là lễ kỷ niệm và đúng như tên gọi, mẫu dây đeo này lần đầu tiên ra mắt vào năm 1945 nhân dịp sự kiện 40 năm thành lập thương hiệu. Ban đầu, Jubilee được thiết kế riêng cho dòng Datejust, nhưng ngày nay, loại dây này còn được sử dụng trên dòng Day-date, GMT-Master II.
Trải qua gần 80 năm có mặt trên thị trường, Jubilee đã tự chứng minh được bản thân là một trong những sản phẩm kinh điển vượt thời gian của thương hiệu Thụy Sĩ.
Nguồn gốc tên gọi Ballon Bleu de Cartier
Danh mục các dòng đồng hồ mang tính thương hiệu của Cartier bao gồm mẫu vỏ hình vuông, hình chữ nhật, hình cushion và tonneau.
Kể từ khi được trình làng vào năm 2007, Ballon Bleu de Cartier (trong tiếng Pháp nghĩa là quả bóng bay xanh của Cartier) đã trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng nhất mà thương hiệu từng phát triển.
Tên gọi, hình dáng và tính linh hoạt đặc biệt đã khiến Ballon Bleu trở nên khác biệt so với các mẫu đồng hồ tròn khác. Thực tế, cảm hứng cho cái tên “Ballon Bleu” đến từ quả bóng bay màu xanh lam, tích hợp ước muốn bay của con người vào chế tác đồng hồ.
Năm 1783, anh em nhà Montgolfier (những nhà phát minh khinh khí cầu) đã thả thành công quả khinh khí cầu màu xanh, bay trong 25 phút ở thủ đô Paris của nước Pháp. Đây là chiếc khinh khí cầu đầu tiên trong lịch sử loài người.
Ballon Bleu còn là một trong những sáng tạo hiếm hoi phù hợp với cả hai giới. Chẳng hạn, chiếc Ballon Bleu trên cổ tay nam ca sĩ Usher thể hiện sự thoải mái, phá cách nhưng vẫn đẳng cấp. Trong khi đối với phụ nữ, món phụ kiện này toát lên sự tinh tế và phong cách.
Ban đầu Omega là tên của một bộ máy
Nhiều công ty đồng hồ khởi đầu với cái tên không giống với tên thương hiệu của họ ngày nay. Ví dụ, Patek Philippe ban đầu được đặt là Patek, Czapek & Cie. Đến thời điểm Czapek rời đi và Adrien Philippe gia nhập, tên thương hiệu được đổi thành Patek, Philippe & Cie, sau đó được đổi thành tên như ngày nay.
Giống nhiều thương hiệu khác, cái tên Omega bắt đầu bằng tên của nhà sáng lập – Louis Brandt. Khoảng 30 năm sau, khi các con trai của ông đủ lớn để tham gia kinh doanh, tên công ty đổi thành Louis Brandt & Fils. Trong tiếng Pháp, “fils” có nghĩa là các con trai.
Khi người cha qua đời, tên công ty một lần nữa được đổi thành Louis Brandt & Frére (một con trai của nhà sáng lập Louis Brandt có tên giống cha) và từ “frére” có nghĩa là anh trai trong tiếng Pháp.
Năm 1894, 2 anh em nhà Brandt đã tiết lộ với thế giới một bộ máy công nghệ cao giúp nâng cao đáng kể độ chính xác, tin cậy và khả năng sử dụng, giành được nhiều giải thưởng và phá vỡ kỷ lục. Bộ máy này được họ gọi là “Omega”, chữ cái cuối cùng trong bảng chữ cái Hy Lạp. Cái tên này đã đưa công ty lên bản đồ đồng hồ thế giới và năm 1903, họ quyết định lấy Omega làm tên thương hiệu.
Rolex được thành lập ở Anh
Nếu nhắc đến thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Rolex. Nhà chế tác này được biết đến là đỉnh cao của sự sang trọng, đứng đầu danh sách các thương hiệu đồng hồ có giá trị nhất và được định vị là viên ngọc quý của ngành chế tạo đồng hồ Thuỵ Sĩ.
Chỉ có điều, thương hiệu này không phải của Thụy Sĩ. Thực tế, Montres Rolex SA đã được đăng ký tại Gevena (Thụy Sĩ) vào năm 1920, nhưng hãng đã được thành lập từ 10 năm trước đó tại thủ đô London của Anh.
Nhà sáng lập người Đức Hans Wilsdorf – nhà phân phối đồng hồ giàu kinh nghiệm và yêu nước Anh – đã chuyển đến London để hợp tác với anh rể Alfred Davis. Họ cùng nhau nhập khẩu các bộ máy Thụy Sĩ cao cấp, đóng gói tại địa phương và bán cho người dân Anh.
Theo thông lệ, công ty ban đầu được đặt tên theo 2 nhà sáng lập. Nhưng vào năm 1908, Wilsdorf đã đổi tên công ty thành thứ mà ông cho là nghe vừa quen thuộc vừa sang trọng: Rolex. Ông muốn tên thương hiệu có thể dễ dàng phát âm bằng bất kỳ ngôn ngữ nào và đủ ngắn để thiết kế trên mặt số. Wilsdorf cho rằng “rolex” là từ tượng thanh, nghe giống tiếng đồng hồ lên dây cót.
Song cuộc phiêu lưu của ông ở Anh không kéo dài. Đến năm 1919, Wilsdorf chuyển công ty từ Anh về Thụy Sĩ, nơi lần đầu tiên ông học nghề. Ông đã mang theo công ty yêu quý của mình và thương hiệu vẫn “đóng đô” ở đây kể từ đó.
Theo Sina, Watchfinder
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/4-bi-an-khong-phai-ai-cung-biet-ve-dong-ho-xa-xi-ngay-ca-dan-trong-nganh-cung-chua-chac-nam-ro-26308.html