Ngày 30/1/2023 vừa qua, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023.
Tại Đại hội, Vietcombank đã thông qua bầu bổ sung 1 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018-2023 là ông Nguyễn Thanh Tùng và thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018.
Sau Đại hội, Vietcombank đã tổ chức tiếp lễ công bố Quyết định chuẩn y Phó Bí thư Đảng ủy và bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vietcombank.
Theo đó, Vietcombank đã công bố quyết định chuẩn y chức danh Phó Bí thư Đảng ủy Vietcombank nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Thanh Tùng. Đồng thời, Hội đồng quản trị Vietcombank bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng giữ chức vụ Tổng giám đốc kể từ ngày 30/1/2023.
Ông Tùng sinh năm 1974 tại Hà Nội, trình độ thạc sỹ Tài chính ngân hàng. Năm 1997, ông Tùng bắt đầu làm việc tại Vietcombank với vị trí cán bộ phòng tín dụng quốc tế Hội sở chính.
Tháng 8/2001, ông Tùng làm thư ký Ban điều hành, sau đó đến tháng 4/2002 làm thư ký Hội đồng quản trị Vietcombank. Tháng 11/2004, ông kiêm thêm vị trí Phó Chánh văn phòng.
Tháng 2/2008, ông làm Chánh văn phòng Vietcombank.
Từ tháng 6/2013, ông Tùng đảm nhiệm các vị trí: Phó Giám đốc chi nhánh Sở giao dịch; Quyền giám đốc chi nhánh Tây Hồ; Giám đốc chi nhánh Tây Hồ; Giám đốc ban khách hàng doanh nghiệp trụ sở chính; Giám đốc khối bán buôn kiêm Giám đốc ban khách hàng doanh nghiệp trụ sở chính; Phó Tổng giám đốc phụ trách khối bán buôn.
Tháng 8/2021 đến nay, ông Tùng làm Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank.
Năm 2022, Vietcombank hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch. Huy động vốn thị trường I của ngân hàng đạt ~1,26 triệu tỷđồng, tăng 9,1% so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm 2022. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt34%, tăng 1,8 điểm % so với 2021 (tương đương khoảng 428 nghìn tỷ đồng – quán quân về CASA trong hệ thống). Huy động vốn bán buôn tăng trưởng 10,4%; huy động vốn bán lẻ tăng trưởng ở mức 8,0% so với năm 2021.
Tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021, kiểm soát trong tỷ lệ tăng trưởng được NHNN giao. Tín dụng bán buôn tăng trưởng 18,5%; Tín dụng bán lẻ tăng trưởng ở mức 19,4% so với năm 2021.
Dư nợ nhóm 2 là 3.289 tỷ đồng, tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,29%, giảm 0,08 điểm % so với 2021 (0,36%). Tổng dư nợ xấu là 7.662 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao. Dư quỹ dự phòng rủi ro là 35.603 tỷ đồng; Tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (khoảng 465%).
Doanh số TTQT-TTTM đạt khoảng 135 tỷ USD, tăng 31,8% so với 2021; Thị phần đạt mức 18,5%, tăng 3,11 điểm % so với năm 2021. Doanh số mua bán ngoại tệ đạt khoảng 73 tỷ USD, tăng 20,4% so với 2021. Các chỉ tiêu doanh số thẻ, bảo hiểm, phát triển khách hàng bán buôn-bán lẻ đều đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng từ mức 37% đến 100%.
Thu nhập ngoài lãi tăng 9,2% so với năm 2021, hoàn thành 108,7% kế hoạch năm 2022; Thu thuần kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng 31,7% so với năm 2021, hoàn thành 124% kế hoạch năm 2022; Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 2.393 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 80% kế hoạch năm 2022.
Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng tăng 39% so với năm 2021 và đạt 119% kế hoạch năm 2022. NIM đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm % so với 2021. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,84% và 24,25%.
Vietcombank tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất trên thị trường chứng khoán, lọt vào Top 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất thị trường năm 2022 theo Reuter.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/chan-dung-tan-tong-giam-doc-vietcombank-nguyen-thanh-tung-15290.html