Năm 2020, xuất khẩu NLTS ghi nhận mức kỷ lục thặng dư thương mại khi đạt ngưỡng 10,4 tỷ USD. Trong cùng năm, giá trị xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD. Năm 2022, Bộ NN-PTNT dự kiến xuất khẩu 55 tỷ USD, tăng hơn 30% so với kỷ lục xuất siêu năm 2020. Thặng dư thương mại năm nay ước khoảng 6-7 tỷ USD.
Trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều biến động, nhất là căng thẳng giữa Nga – Ukraina cùng tình hình lạm phát tại Châu Âu tăng mạnh, ngành xuất khẩu nói chung và các mặt hàng NLTS nói riêng vẫn còn khá nhiều khó khăn.
Để các doanh nghiệp và nhà đầu tư có được cái nhìn toàn cảnh, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản tổ chức Hội thảo triển vọng thị trường nông sản Việt Nam với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4 Reform).
Theo đánh giá từ các chuyên gia, từ đầu 2020, kinh tế – xã hội toàn cầu bị tác động sâu rộng bởi hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa thành phố, đóng cửa biên giới để ngăn chặn đại dịch Covid 19, ngành kinh tế cũng không ngoại lệ khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dù cho đã được đánh giá là có khả năng chống đỡ cao hơn so với nhiều ngành khác.
Bên cạnh những khó khăn, đại dịch cũng mở ra cơ hội nếu các quốc gia có được các chiến lược và chính sách phù hợp. Nhiều nước nhập khẩu nông sản lớn trong đó có Mỹ và nhiều nước châu Âu có những quy định cao hơn về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm đồng thời áp dụng quá trình kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo nông sản nhập khẩu không có virus gây bệnh, gây khó khăn hơn cho nông sản xuất khẩu vào những thị trường này. Ngược lại, nhu cầu nông sản, đặc biệt là trái cây và thủy sản, lại tăng nhanh, mang lại cơ hội thị trường lớn hơn.
Nhận định về triển vọng xuất khẩu nông – lâm – thuỷ sản (NLTS) của Việt Nam 2022-2023, tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện trưởng IPSARD cho biết: Năm 2022 đã chứng kiến hàng loạt sự kiện lớn trên thế giới. Các quốc gia mở cửa sau đại dịch, xung đột Nga – Ucraina, các nước tăng lãi suất cùng hàng loạt biến động thất thường của khí hậu, cùng với tình trạng lạm phát ở các nước tăng cao đã kéo theo giá nông sản, lương thực, giá dầu do tăng mạnh. Trong khi đó nguồn cung lương thực giảm và các chính sách hạn chế xuất khẩu của các nước đã khiến các nước xuất khẩu nói chung và Việt Nam nói riêng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, thặng dư thương mại cùng tốc độ xuất khẩu vẫn đang tăng trưởng cao và ổn định.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn là 2 quốc gia chủ lực của NLTS Việt Nam, chiếm lần lượt 26% và 18% tổng giá trị xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm. ASEAN là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong 9 tháng, giá trị xuất khẩu tăng 30,8% so với cùng kỳ 2021.
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều thách thức với NLTS khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí logistics, vận tải biển tăng, chính sách nhập khẩu của một số nước có sự thay đổi, yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng các nước ngày càng khắt khe và lạm phát ở nhiều quốc gia tăng cao khiến cho người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Trong bối cảnh đó, đại diện IPSARD đã đưa ra một số định hướng của Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu như: Thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, đề án xuất khẩu nông lâm thủy sản; Tăng cường sản xuất các sản phẩm bền vững, giảm phát thải đáp ứng tốt hơn nhu cầu quốc tế; Tuân thủ các điều kiện IUU (gỡ “thẻ vàng” của EU); Phát triển logistics hỗ trợ cho thương mại nông sản; Thúc đẩy mở cửa thị trường cho nông sản; Xây dựng thương hiệu quốc gia, nhãn hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý; Hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu; Tăng cường kết nối với các thị trường/tích cực làm việc với các tổ chức quốc tế hoàn thiện hơn khâu sản xuất.
Ông Cao Đức Phát – nguyên Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kết luận: “Thị trường hàng hóa thế giới và trọng tâm là thị trường nông sản cho thấy những vấn đề đặt ra không chỉ trong ngắn hạn mà còn ở trung và hài hạn. Dưới biến động về cung cầu có liên quan đến tác động của đại dịch covid, chiến tranh và cả của thị trường thế giới, thông qua những phân tích đã cho thấy trong sự “chao đảo” vẫn có những đường hướng tương đối rõ nét, thấy được tác động tới Việt Nam cả về mặt xuất nhập khẩu cũng như thị trường trong nước. Đặc biệt là giúp Việt Nam có thể nhìn thấy những điều mà mình có thể khai thác, nhưng cũng phải nỗ lực phấn đấu để đảm bảo được quá trình phát triển của nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả cao hơn, phát huy không chỉ thị trường trong nước và cả thị trường quốc tế”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài việc cần tập trung vào thị trường quốc tế, các doanh nghiệp lưu ý đừng “bỏ rơi” thị trường trong nước. Bên cạnh đó cũng cần phát triển mạnh hơn cơ sở hạ tầng kho bãi và hệ thống logistics, vận chuyển bằng đường sắt, đường biển…Qua đó, tăng thêm cơ hội xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường chủ lực Trung Quốc, cũng như kết nối chặt chẽ hơn nữa với hệ thống thương mại biên mậu với các quốc gia trong khu vực.