Quyết định số 150/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành ngày 28/1/2022 xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đưa tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt 2,5-3%/năm; đến năm 2050 đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu về chế biến nông sản.
Chiến lược khẳng định “nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia” và nhấn mạnh quan điểm “sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững”.
Với mục tiêu cải thiện hệ thống thực phẩm của Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam, sáng 25/11, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Tổ chức CropLife châu Á tổ chức hội thảo “Sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả hướng đến hệ thống thực phẩm bền vững” tại Hà Nội.
Tại hội thảo, Trung tâm Phát triển nông thôn (RUDEC) thuộc IPSARD và các đối tác nghiên cứu quốc tế (Kynetec, ideas42) đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu: “Đánh giá của nông dân về vai trò các sản phẩm hóa chất nông nghiệp” và “Nghiên cứu hành vi của nông dân để cải thiện thực hành sử dụng hóa chất nông nghiệp có trách nhiệm hơn”. Các nghiên cứu được tiến hành trong giai đoạn 2019 – 2022, với sự hỗ trợ của CropLife châu Á.
Thay đổi thói quen sản xuất của nông dân ‘là một câu chuyện dài’
Theo nghiên cứu từ RUDEC/IPSARD và Kynetec, người nông dân Việt Nam đến nay vẫn phụ thuộc vào thuốc BVTV và coi thuốc BVTV đóng góp quan trọng cho đầu ra sản xuất nông nghiệp cả về sản lượng và chất lượng.
Trong khi đó, người nông dân hiện có rất ít hoặc chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề dư lượng cũng như cách thức quản lý dư lượng từ khâu canh tác. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc người nông dân không trực tiếp nhận được phản hồi về mức dư lượng trên cây trồng của họ từ người thu mua; không có cách để kiểm tra dư lượng mà quan tâm nhiều hơn tới năng suất, sản lượng và mẫu mã sản phẩm sau thu hoạch…
Do đó, để hướng tới mô hình nông nghiệp bền vững, trước hết cần cải thiện thói quen sử dụng hoá chất nông nghiệp của nông dân.
Nói về vấn đề này, ông Hoàng Vĩnh Long – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chè Việt Nam cho rằng thói quen sản xuất trong 10 năm trở lại đây đã có những chuyển biến tích cực, và đó là sự nỗ lực của toàn hệ thống. “Bộ Nông nghiệp đến các địa phương đã hành động rất nhiều, đặc biệt là sự chuyển biến rõ rệt về thói quen sản xuất trong những năm gần đây để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Đó là động lực để các sản phẩm Việt Nam tuân thủ các điều kiện, quy trình xuất khẩu”.
Tuy nhiên, vị này thừa nhận việc tiếp tục thay đổi hành vi của người nông dân là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh ngành chè nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung đứng trước nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu cho đến hàng rào kiểm định chất lượng khi vươn ra thị trường quốc tế.
“Nhưng làm như thế nào để thay đổi là câu chuyện dài”, ông Long cho hay. Bởi khó khăn đến từ nhiều phía.
Chẳng hạn, bên cạnh vấn đề nhận thức của người nông dân, còn có một số hiện tượng bao bì thuốc BVTV không ghi đúng thành phần. “Một số thuốc trên nhãn mác, bao bì ghi không có hoạt chất này, thế nhưng khi mua ở ngoài thị trường xịt lên chè và kiểm tra thì lại có. Và nguy hại hơn khi thị trường nhập khẩu cấm hoặc quy định rất chặt chẽ về dư lượng các chất này. Do vậy, các nhà quản lý, các hiệp hội và các doanh nghiệp phải cùng đồng lòng để có một bước đi chung. Phải cùng hành động thì mới giải quyết được”, ông Long nhấn mạnh.
Một khó khăn khác, theo ông Long, là việc áp dụng các chứng nhận trong nước còn khá hạn chế. “Ví dụ như một số hợp tác xã chúng tôi đang hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ; nhưng sản phẩm bán ra không khác nhiều so với các mặt hàng khác trên thị trường. Trong khi đó nếu xuất khẩu, chúng tôi phải tuân thủ hàng rào kiểm tra chặt chẽ”.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chè Việt Nam thông tin thêm rằng riêng ngành chè, Hiệp hội hiện đã phối hợp với Cục bảo vệ thực vật, Viện chiến lược và các cơ quan để thúc đẩy quá trình sản xuất, xây dựng thương hiệu, với mục đích giúp doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chè ra thị trường quốc tế. Đây là yêu cầu rất thiết thực và cấp bách, cũng là động lực để thúc đẩy thay đổi hành vi của người nông dân.
Chuyên gia nêu quan điểm sử dụng thuốc BVTV nên kết hợp cả sinh học và hoá học
Cũng trăn trở về vấn đề thị trường trong nước và quốc tế như ông Hoàng Vĩnh Long; PGS.TS. Nguyễn Trần Oánh – Nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Khoá I&II, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp và Nông thôn chia sẻ: “Thực phẩm bền vững là yêu cầu không chỉ cho xuất khẩu mà trước tiên để phục vụ đời sống nhân dân”.
Nói về phương hướng phát triển thuốc BVTV ở Việt Nam, ông Oanh cho hay: “Người ta đã chứng minh, không có thuốc BVTV độc, chỉ có người sử dụng sai, không đúng kỹ thuật”.
Do vậy, để hướng tới ngành nông nghiệp xanh và bền vững, trước tiên phải cung cấp cho nông dân những sản phẩm hiệu quả và đào tạo phương thức sử dụng chính xác.
“Thời gian vừa qua có chủ trương sử dụng các loại thuốc sinh học. Theo tôi, thuốc sinh học có 5 điểm yếu. Thứ nhất là không có đầy đủ chủng loại để diệt được hết sâu bệnh, dịch hại. Thứ hai là hiệu quả yếu, không thể ngăn chặn được các loại dịch. Thứ ba là tác dụng rất chậm, không thể chặn được dịch lập tức nên không thể áp dụng trên cây lúa. Thứ tư là giá thành cao. Và cuối cùng là muốn dùng phải có hiểu biết nhất định”,
Theo ý kiến của vị chuyên gia này, việc sử dụng thuốc BVTV nên kết hợp cả sinh học và hoá học chứ không nên hạn chế hay thay thế hoàn toàn. “Khi làm được điều đó, chi phí sản xuất sẽ giảm, tạo ra động lực thúc đẩy việc trồng trọt có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả”, ông Oanh nói.
Trước đó, tháng 9/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành nông nghiệp thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp…
Kế hoạch hành động đề ra các mục tiêu chính: tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp từ 2,5-3%/năm. Nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu ha.
Liên quan đến vấn đề thuốc BVTV, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt….