Tuy nhiên, trước mắt các ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt, có thể khiến tăng trưởng lợi nhuận chậm lại.
Liên tiếp báo lãi lớn
Vững vàng ở ngôi vị quán quân, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021, ước hơn 36.700 tỷ đồng và đạt 119% kế hoạch năm 2022. Trong đó, biên lợi nhuận (NIM) của ngân hàng đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm % so với 2021.
Tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank kiểm soát ở mức 0,67% tương đương với 7.662 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng với 465%.
Trước đó, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 của VietinBank ước đạt 20.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp dưới 1,2%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190%, tăng 10% so với năm 2021.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng đã hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận 20.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giao năm 2022, tăng khoảng 40% so với năm trước.
Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố kết quả kinh doanh với mức tăng trưởng lợi nhuận bứt phá. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV đạt 23.190 tỷ đồng, tăng đến 70% so với năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 0,9%. Tỷ lệ trang trải nợ xấu đạt 245%, cũng là mức cao nhất trong các năm gần đây.
Không những vậy, BIDV còn là ngân hàng thương mại đầu tiên sở hữu quy mô tổng tài sản kỷ lục, vượt mốc 2 triệu tỷ đồng và tiếp tục là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.
Cũng là một trong số các ngân hàng công bố sớm nhất kết quả kinh doanh năm 2022, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đạt 7.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng khoảng 30% so với năm 2021. Theo TPBank, ngoài nỗ lực kiểm soát chặt chẽ doanh thu – chi phí phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và diễn biến của thị trường, mức lợi nhuận này còn đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh, tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí. Sự phục hồi tích cực của các khách hàng giãn nợ sau đại dịch COVID-19 cũng góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân hàng.
Còn tại một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank)…, dù chưa công bố kết quả kinh doanh, nhưng báo cáo từ Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) kỳ vọng các ngân hàng này sẽ tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý IV/2022 và cả năm 2022.
Trong đó, lợi nhuận của VPBank ước đạt mức khoảng 25.000 tỷ đồng cho năm 2022, tăng 73,5% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 của ACB có thể đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, mang lại lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 khoảng 17.000 tỷ đồng, tăng 41,9%. MSB được kỳ vọng sẽ đạt từ 1.200 – 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2022 nhờ việc Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng hồi đầu tháng 12 vừa qua.
Còn tại Sacombank, SSI Research cho rằng việc xử lý các khoản nợ tồn đọng sẽ là động lực chính để ngân hàng tăng lợi nhuận cốt lõi. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt hơn 1.800 tỷ đồng trong quý IV/2022, tăng 63,5% so với cùng kỳ giúp ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 đạt hơn 6.300 tỷ đồng.
Trong khi đó, với HDBank, các chuyên gia phân tích của SSI đánh giá sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế 10.000 tỷ đồng đã đặt ra, tăng 24% so với cùng kỳ.
Tín hiệu giảm tốc
Bên cạnh những ngân hàng được kỳ vọng lãi lớn, SSI Research cũng dự báo nguy cơ tăng trưởng lợi nhuận âm tại một số ngân hàng. Cụ thể, SSI đánh giá đà tăng trưởng của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã giảm tốc trong quý cuối cùng của năm 2022 với lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 4.500 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy tính chung cả năm, lợi nhuận trước thuế của MB vẫn ước đạt 22.700 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
Tương tự với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 dự kiến giảm đáng kể gần 23% so với cùng kỳ, xuống còn khoảng 1.350 tỷ đồng. Nguyên nhân được SSI chỉ ra là do gặp bất lợi từ hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ khi mà lợi suất trái phiếu tăng mạnh trong năm 2022, cũng như giảm thu nhập phí thuần.
Mới đây nhất, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đã giảm kế hoạch lợi nhuận trước thuế gần 27%, từ 1.090 tỷ đồng xuống còn 800 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận 9 tháng của VietBank đạt 536 tỷ đồng. Việc điều chỉnh giảm kế hoạch này phần nào đã phản ánh tín hiệu không mấy sáng sủa của ngân hàng trong quý cuối năm.
Đánh giá triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2023, SSI Research cho rằng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế có thể ở mức từ 10-14%, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2021.
Các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI dự báo đạt 249.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2023, tăng 13,7% so với năm 2022. Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận tại các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước có thể đạt mức trên 18%, cao hơn mức tăng của các ngân hàng thương mại khác do triển vọng biên lợi nhuận (NIM) tốt hơn và tỷ trọng dư nợ cho vay đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tại các ngân hàng này ở mức thấp.
Còn tại báo cáo chiến lược mới công bố, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng áp lực lên ngành ngân hàng vẫn chưa kết thúc, hiệu quả kinh doanh ngân hàng có thể bị thu hẹp do chi phí vốn gia tăng. Chưa kể tới thu nhập dịch vụ và thu nhập khác giảm tốc, đặc biệt là phần thu nhập từ hoạt động trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm… cũng đang là áp lực lên kết quả kinh doanh ngân hàng năm 2023.
Mặt khác, giới phân tích nhận định xu hướng lãi suất tăng nhanh kéo theo nguy cơ nợ xấu gia tăng, việc xử lý nợ xấu có độ trễ, cũng như mức độ lạm phát trong nước và thế giới… sẽ khiến quy mô tăng trưởng của các ngân hàng chậm lại.