Xuất khẩu dệt may tăng gần 18%
Tại buổi họp báo về hội nghị tổng kết năm 2022 của VITAS, tổ chức ngày 18/11, ngoài thông tin về kim ngạch xuất khẩu 10 tháng, Chủ tịch Vũ Đức Giang cho biết thêm: Về thị trường xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam, Hoa Kỳ tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất với 42%, tiếp đến là Trung Quốc 11%, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng chiếm 9%, thị trường khu vực ASEAN chiếm 6%, Nga 1% và còn lại là các thị trường khác.
Quần áo may mặc các loại vẫn là mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, tới 29,1 tỷ USD.
Trong đó, thị trường xuất khẩu trọng tâm Hoa Kỳ với 13,9 tỷ USD, các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương 4,733 tỷ USD, các nước EU 3,63 tỷ USD, Hàn Quốc 2,525 tỷ USD, Trung Quốc 925 triệu USD.
Ngoài quần áo, ngành dệt may Việt Nam cũng xuất khẩu vải với 2,13 tỷ USD, xơ sợi 4,083 tỷ USD, phụ liệu may 1,165 tỷ USD, vải địa 747 triệu USD.
VITAS cho rằng, kết quả đạt được cho đến thời điểm này là nỗ lực rất lớn của ngành dệt may Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thị trường tiêu dùng thế giới chững mạnh trong quý cuối cùng của năm 2022.
Về áp lực trong những tháng còn lại của năm 2022 và đầu năm 2023, ông Vũ Đức Giang nhận định: Theo tính toán của VITAS, đơn hàng bình quân của các DN đã giảm từ 25-27%. DN sản xuất gia công, sản xuất mặt hàng giá rẻ chịu tác động nặng nề nhất, thậm chí phải làm không công. DN chịu ảnh hưởng từ biến động tỷ giá do phải bỏ ngoại tệ mua nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Bù lại, DN chủ động được đơn hàng, chủ động được khách hàng.
“Đáng nói, tỉ trọng gia công trong ngành dệt may hiện còn rất thấp. Năm 2022 là 17-18%. Hi vọng rằng tỉ lệ này sẽ được đẩy nhanh chuyển đổi trong năm 2023”, ông Vũ Đức Giang thông tin.
DN nỗ lực duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động
Trước hiện tượng lao động bị nghỉ việc trong thời gian gần đây, với ngành dệt may, lãnh đạo VITAS cho biết, hiện tượng người lao động bị nghỉ việc là có xảy ra nhưng tỉ trọng thấp, chỉ khoảng 5-7%.
“Các DN dệt may trong nước đang bằng nhiều cách để duy trì hoạt động sản xuất, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động. Đã có DN phải chuyển đổi mặt hàng sản xuất với năng suất thấp để giữ ổn định lao động, đón sự phục hồi của thị trường được dự báo vào quý III, IV/2023”, ông Giang thông tin.
Về thị trường nội địa, 10 tháng doanh thu nội địa của dệt may Việt Nam đạt 4,8 tỷ USD, mục tiêu cả năm là 5,8-6 tỷ USD. Đặc biệt, nếu như năm 2021, tỉ lệ DN dệt may bán hàng qua thương mại điện tử chỉ khoảng 7-8%, thì năm nay đã tăng lên 18-20%.
Bên cạnh đó, không chỉ với thị trường trong nước, kinh doanh qua môi trường internet cũng được các nhà nhập khẩu áp dụng triệt để. Những nhãn hàng lớn hầu hết vẫn đưa ra ý tưởng, trao đổi với DN Việt Nam qua môi trường trực tuyến để DN thiết kế, chào giá, thậm chí có nhãn hàng còn chưa đến Việt Nam.
“Dù còn nhiều thách thức và khó khăn trong giai đoạn cuối năm, nhưng năm 2022 ngành dệt may Việt Nam vẫn dự kiến về đích với 42 tỷ USD”, ông Vũ Đức Giang khẳng định.
Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã có 10 thương hiệu đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, bao gồm: Sản phẩm thời trang Viettien (Tổng công ty May Việt Tiến), thương hiệu Merriman (Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ), thương hiệu Mattana & Novelty (Tổng công ty May Nhà Bè), trang phục An Phước (Công ty TNHH May thêu giày An Phước), May10 Series, May10 Suits & Eternity GrusZ (Tổng công ty May 10), thời trang Thái Tuấn (Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn), khăn bông Mollis (Tổng công ty cổ phần Phong Phú).
Mục tiêu từ nay tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 20 thương hiệu thời trang không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới.