Với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản đặc biệt là cá tra và tôm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản hàng đầu khu vực. Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh hiếm hoi của Việt Nam trên trường quốc tế, mang về hàng tỷ USD ngoại tệ mỗi năm.
Từ đầu những năm 2000, toàn ngành thủy sản bắt đầu bức tốc với tốc độ phát triển nhanh hơn, giá trị xuất khẩu dưới 1 tỷ USD năm 1999 đã nhảy lên gần 1,5 tỷ USD năm 2000 và duy trì đà tăng trưởng những năm sau đó và hướng đến mục tiêu cán mốc 10 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, song song với sự phát triển nhanh của ngành, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn luôn đối diện với nhiều rủi ro. Kể từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 tới nay, ngành thuỷ sản trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm.
Từ năm 2008, các doanh nghiệp thuỷ sản phải chịu sức ép từ trong ra ngoài. Các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật,… đều sụt giảm nhu cầu khiến cả giá và lượng xuất khẩu đi xuống. Đến năm 2011, lạm phát, lãi suất trong nước tăng vọt đã nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính. Giá trị xuất khẩu của ngành hàng này sụt giảm vào năm 2012 và đánh mất đà tăng trưởng mạnh trước đó.
Các khoản lãi phải trả cho ngân hàng tăng đột biến khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản suy yếu, đặc biệt là các doanh nghiệp vốn mỏng, tăng trưởng nhanh dựa vào vốn vay. Trong đó, có cả những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đứng đầu ngành đã dừng cuộc chơi, và hàng chục công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết khác vẫn đang loay hoay tìm cách sinh tồn.
Dường như lặp lại câu chuyện của thời kỳ trước đó, nền kinh tế thế giới năm 2022 tiếp tục rơi vào suy thoái, Fed liên tục tăng lãi suất khiến nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam liên tục điều chỉnh tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Giá cả leo thang, hầu hết người dân đều trên tinh thần tiết kiệm khiến nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ và EU, Trung QUốc sụt giảm. Đơn hàng xuất khẩu thủy sản mới thấp hơn mọi năm, nhiều đơn hàng bị đề nghị hoãn giao hàng, gây áp lực nhiều doanh nghiệp thủy sản.
Bên cạnh đó, gọng kìm kép của việc siết cho vay do hết room tín dụng và lãi suất liên tục leo thang tác động không nhỏ tới thanh khoản nhiều doanh nghiệp. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), từ giữa năm 2022 đến nay, nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại tại các địa phương đã cắt giảm mạnh hạn mức tín dụng với doanh nghiệp thủy sản dù mới chỉ giải ngân được 60 – 80%.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành. Thậm chí có doanh nghiệp đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Thuận Phước cho biết xuất khẩu tôm nửa cuối năm và đầu năm 2023 sẽ khá ảm đạm vì thiếu nguyên liệu, thiếu vốn. Trường hợp doanh nghiệp mua được nguyên liệu, làm ra sản phẩm cũng không biết bán cho ai vì lạm phát cao kỷ lục ở Mỹ và EU, đồng tiền mất giá và người dân thắt chặt chi tiêu.
Chủ tịch Thuận Phước cảnh báo hiện ngành tôm Ấn Độ, Ecuador đang tích cực nuôi tôm và đầu tư cho chế biến sâu, nếu doanh nghiệp ngành tôm Việt không nâng cấp sản phẩm và thiếu chính sách hỗ trợ của nhà nước thì ngành này khó cạnh tranh được với các đối thủ, thậm chí đi lùi.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Tấn, Tổng giám đốc Công ty CP Camimex Group cho biết: “Đối với doanh nghiệp thủy sản, trong đó Camimex, nhu cầu về vốn là rất lớn. Tuy nhiên, hiện tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước đang thắt chặt vấn đề giải ngân nên những doanh nghiệp dù còn hạn mức nhưng ngân hàng không tiếp tục giải ngân mà lại cắt hạn mức của doanh nghiệp.
Thống kê từ nhóm doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt nhất trên sàn cho thấy, khả năng chi trả nợ vay (nợ vay/EBIT) đã cải thiện đáng kể và khả năng chi trả nợ gốc (nợ vay/EBIDA – lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) hay ngược lại dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp/nợ vay của doanh nghiệp đã có sự cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2011-2016.
Tuy nhiên, lợi nhuận nhóm doanh nghiệp thuỷ sản đang có dấu hiệu giảm tốc sau giai đoạn đỉnh vào quý II. Theo dữ liệu từ WiGroup, có rất nhiều doanh nghiệp còn lại trong nhóm 38 doanh nghiệp trên sàn có biên lợi nhuận thấp, tỷ lệ nợ cao và vòng quay tài sản thấp, số ngày tồn kho cũng đang tăng trở lại. Những doanh nghiệp này được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới.
TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Sao Ta đánh giá các doanh nghiệp có nhiều vốn có thể khó khăn chỉ dừng ở đây. Với các doanh nghiệp ít vốn, lệ thuộc vốn vay ngân hàng thì khó khăn gấp bội. “Không giao hàng theo kế hoạch, hàng tồn kho thì lấy đâu tiền trả nợ khi tới hạn”.
“Giải pháp không ai muốn là phải chấp nhận giảm giá, chấp nhận bán rẻ để có cái chứng minh luân chuyển dòng tiền. Nhưng đó là vòng tròn đi xuống, khó khăn tài chính sẽ tránh được chút mắc mứu trước mắt nhưng hệ quả thì không lường, khi lạm phát và cạnh tranh quốc tế chưa hẹn điểm dễ thở hơn. Lỗ lã sẽ kéo dài…
Tình hình này đã diễn ra ở cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007-2008, hệ quả sau đó ít năm, khá nhiều DN thủy sản đã bỏ cuộc chơi, thậm chí có doanh nghiệp lớn”, TS. Hồ Quốc Lực phân tích.
Trong bối cảnh như hiện nay, VASEP đã kiến nghị Chính Phủ, Bộ NN&PTNT xem xét và có giải pháp nâng mức tín dụng cho ngành thủy sản, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Hiệp hội mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thủy sản tiếp cận nguồn vốn vay trong giai đoạn xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi và tăng trưởng tốt.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải chủ động giảm thiểu rủi ro cho đối tác tài chính của mình. Chia sẻ mới đây tại diễn đàn M&A Việt Nam, ông Dominic Scriven – Chủ tịch HĐQT Dragon Capital gợi ý cấu trúc theo kiểu gọi vốn và một nửa là vốn chủ sở hữu để đảm bảo sự cân bằng.
“Bên cạnh các biện pháp phi tài chính để giảm rủi ro cho các nhà đầu tư như cải thiện năng lực quản trị, quản lý rủi ro, đa dạng hóa về rủi ro, đảm bảo tính minh bạch trong cung cấp thông tin, tính trách nhiệm và tăng cường tinh thần trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp được nhận đầu tư”, ông này khuyến nghị.
Những thách thức và các giải pháp vượt khó sẽ được thảo luận cụ thể hơn tại Hội thảo ‘Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng’ ngày 26/11 tại TP Cần Thơ.